Lắp ráp ô tô tại Việt Nam. Ảnh minh họa |
Tại sao cần thiết ban hành Nghị định?
Theo quy định của pháp luật hiện hành, ô tô các loại thuộc Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn (sản phẩm, hàng hóa nhóm 2), có yêu cầu rất cao về chất lượng, an toàn cho người sử dụng cũng như cộng đồng khi tham gia lưu thông trên đường, không chỉ ảnh hưởng đến an toàn, tính mạng và sức khỏe của người sử dụng mà còn an toàn của những người tham gia giao thông khác.
Bên cạnh đó, ô tô là sản phẩm công nghệ cao, có cấu trúc phức tạp nên yêu cầu sử dụng, vận hành cũng như bảo dưỡng, bảo hành ô tô phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định của nhà sản xuất. Trong trường hợp xe phát sinh các lỗi kỹ thuật, người tiêu dùng cần được đảm bảo quyền yêu cầu đơn vị sản xuất, nhập khẩu, phân phối, cung ứng triệu hồi để khắc phục lỗi.
Mặt khác, ô tô cũng là một trong các loại hàng hóa có khả năng gây ảnh hưởng đến môi trường. Trong quá trình vận hành, ô tô phát ra các loại khí thải có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường như CO2, CO, HC, NO…. Sau khi thải bỏ hoặc hết niên hạn sử dụng, các chi tiết, linh kiện, bộ phận của ô tô khi trở thành phế liệu, rác thải có khả năng gây ảnh hưởng rất lớn tới an toàn môi trường, ví dụ các vi mạch điện tử, lốp xe, xăng, dầu, động cơ, các loại ăc quy… chứa hàm lượng kim loại nặng và các chất độc hại cao cần phải xử lý nhằm bảo vệ môi trường. Việc thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ thuộc trách nhiệm của các nhà sản xuất xe ô tô.
Tuy nhiên, quy định hiện hành của pháp luật chỉ mới nêu lên nguyên tắc chung về nghĩa vụ mà chưa có cơ chế, chế tài để bảo đảm thực hiện quyền này của người tiêu dùng cũng như ràng buộc trách nhiệm của các đơn vị sản xuất, nhập khẩu thực hiện nghĩa vụ này.
Nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập đồng thời hoàn thiện các quy định chặt chẽ đối với quá trình sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và bảo hành, bảo dưỡng ô tô tại Việt Nam, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng; góp phần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng cho doanh nghiệp, thúc đẩy ngành ô tô phát triển và bảo vệ môi trường, Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải và các bên liên quan xây dựng Dự thảo Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô.
Các quy định đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng
Các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô phải có đầy đủ Quy định điều kiện về cơ sở vật chất theo tiêu chuẩn (Phụ lục 02 của Nghị định) về nhà xưởng, dây chuyền lắp ráp, dây chuyền hàn, dây chuyền sơn, dây chuyền kiểm tra chất lượng sản phẩm và đường thử xe ô tô; có bộ phận quản lý riêng về hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô, và người phụ trách bộ phận này phải đáp ứng các điều kiện phù hợp về trình độ đào tạo cũng như kinh nghiệm công tác nhằm kiểm soát, bảo đảm chất lượng của quá trình sản xuất, hạn chế tối đa các sản phẩm bị lỗi kỹ thuật khi xuất xưởng, bảo đảm an toàn cho người sử dụng.
Không chỉ bảo đảm chất lượng đầu ra đối với xe xuất xưởng, doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô phải có trách nhiệm bảo hành, bảo dưỡng, triệu hồi sản phẩm bị lỗi kỹ thuật và thu hồi sản phẩm thải bỏ của mình.
Vì ô tô là sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm hàng hóa nhóm 2, có khả năng gây mất an toàn, với cấu tạo kỹ thuật phức tạp. Quá trình sản xuất, lắp ráp ô tô đòi hỏi phải qua nhiều công đoạn chế tạo, xử lý sản phẩm, có thể phát sinh các nguy cơ tiềm ẩn gây mất an toàn đối với người lao động và với môi trường như nguy cơ cháy nổ và đặc biệt là nguy cơ từ các chất thải công nghiệp (với hàm lượng kim loại nặng và hóa chất có hại cao như đã phân tích ở trên). Vì vậy, sản xuất, lắp ráp ô tô là một trong những ngành nghề có khả năng gây ảnh hưởng lớn tới môi trường và người lao động từ dự án đầu tư sản xuất. Do đó, Nghị định ràng buộc các doanh nghiệp phải tuân thủ nghiêm ngặt và đáp ứng các điều kiện theo quy định hiện hành của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường.
Các thủ tục liên quan đến cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, lắp ráp ô tô cho các doanh nghiệp sẽ được quy định rõ ràng, minh bạch, công khai tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, Nghị định cũng có quy định về chính sách khuyến khích nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng nội địa của ô tô nội địa nhằm đạt được các mục tiêu đề ra của chiến lược, quy hoạch ngành công nghiệp ô tô và theo chỉ đạo tại Nghị quyết số 33/2016/QH14 ngày 23/11/2016 của Quốc hội.
Các quy định về nhập khẩu ô tô
Doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện và được cấp giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô theo quy định tại Nghị định đều được quyền nhập khẩu ô tô.
Tuy nhiên để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, dự thảo Nghị định được xây dựng theo hướng doanh nghiệp nhập khẩu phải có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng tại Việt Nam và phải cam kết trách nhiệm bảo hành, triệu hồi ô tô nhập khẩu nếu sản phẩm, hàng hóa bị lỗi.
Để phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay, trước mắt, doanh nghiệp nhập khẩu có thể lựa chọn một trong ba hình thức: (i) sở hữu cơ sở bảo hành, bảo dưỡng; (ii) thuê cơ sở bảo hành, bảo dưỡng với thời hạn tối thiểu 3 năm; hoặc (iii) cơ sở bảo hành, bảo dưỡng thuộc hệ thống phân phối của doanh nghiệp nhập khẩu. Tuy nhiên, để duy trì môi trường kinh doanh ổn định và bảo vệ lợi ích lâu dài của người tiêu dùng, dự thảo Nghị định quy định tới thời điểm ngày 1/7/2020, doanh nghiệp nhập khẩu bắt buộc phải sở hữu tối thiểu một cơ sở bảo hành, bảo dưỡng theo quy định tại Nghị định.
Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô phải đáp ứng các điều kiện chung và điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ, nhân lực và hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia.
Thẩm quyền, trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương
Về quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và bảo hành, bảo dưỡng ô tô sẽ có 5 Bộ và các địa phương tham gia, được quy định tại Điều 36 và Điều 37 tại Chương V của Dự thảo Nghị định.
Theo đó, Bộ Công Thương sẽ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô và nhập khẩu ô tô tuân thủ các điều kiện quy định tại Nghị định này; Đình chỉ, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, lắp ráp ô tô và giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô; Thông báo về việc đình chỉ, thu hồi giấy chứng nhận, giấy phép; Trình cấp có thẩm quyền ban hành các quy định về xử phạt đối với các hành vi gian lận thương mại trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô.
Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành liên quan xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với ô tô phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế; Công bố tiêu chuẩn cơ sở bảo hành, bảo dưỡng; Phối hợp với các Bộ, ngành hài hòa hóa tiêu chuẩn, quy chuẩn về linh kiện, phụ tùng ô tô trong nước với quốc tế.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng quy định về thuế linh kiện và phụ tùng theo hàm lượng giá trị gia tăng nội địa phù hợp với các cam kết quốc tế; Xây dựng quy định về xử phạt đối với các hành vi gian lận thương mại và thực hiện công tác phòng, chống gian lận thương mại đối với các loại xe nhập khẩu.
Bộ Giao thông Vận tải có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc kiểm tra cấp, đình chỉ, thu hồi giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng; thông báo đến các cơ quan liên quan về việc đình chỉ, thu hồi giấy chứng nhận; kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô và linh kiện, phụ tùng theo quy định của Nghị định này; Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng, sửa đổi, bổ sung, ban hành các quy định kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô; quy định về triệu hồi sản phẩm ô tô bị lỗi kỹ thuật; Xây dựng, sửa đổi, bổ sung quy định, tiêu chuẩn liên quan đến cơ sở bảo hành, bảo dưỡng; Chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành liên quan xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với ô tô và linh kiện phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế;
Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô tuân thủ các quy ðịnh của pháp luật về môi trường.
Ở các địa phương, Sở Công Thương có trách nhiệm phối hợp kiểm tra, giám sát về việc duy trì các điều kiện kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp và doanh nghiệp khẩu ô tô trên phạm vi địa bàn.